Ngày Môi trường thế giới là ngày bảo vệ môi trường, có tên tiếng Anh là World Environment Day, đây là ngày mà toàn thể người dân trên thế giới cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau do UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) tổ chức nhằm bảo vệ và chăm sóc cho môi trường Trái đất. Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Ngày Môi trường thế giới là ngày bảo vệ môi trường, có tên tiếng Anh là World Environment Day, đây là ngày mà toàn thể người dân trên thế giới cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau do UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) tổ chức nhằm bảo vệ và chăm sóc cho môi trường Trái đất. Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảovệ môi trường.
Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/
Theo đó, ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2023 là “Từ thoả thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”. Thông điệp năm nay, nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng đến xây dựng một tương lai “Sống hài hoà với thiên nhiên” vào năm 2050. Cùng chung tay tiếp tục cho “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để xây dựng một tương lai bền vững chung cho mọi sự sống.
Và ngày 05 tháng 6 hằng năm được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 và trở thành hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và phát triển biền vững.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được UNEP lựa chọn là “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải những thông điệp với ý nghĩa kêu gọi chúng ta hãy xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Luật Bảo vệ môi trường đã được chính thức áp dụng hơn 01 năm, đây là một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. “Không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để đến với nhau trên hành tinh này”.
Hơn bao giờ hết việc hạn chế tối đa phát thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, “Giải quyết ô nhiễm nhựa” nhằm hướng đến các “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, “Chống ô nhiễm nhựa” và để tiếp tục thực hiện Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường phải cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng.
Để thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị Quý cơ quan, địa phương chủ động thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; Tham gia vào các hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã và nghiêm cấm săn bắt, kinh doanh, mua bán, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã dưới mọi hình thức tới cán bộ công nhân viên và cộng đồng dân cư, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại và khu du lịch; Chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ thiên nhiên; xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng, sống hài hòa với thiên nhiên.
2. Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 09/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2669/UBND-NN ngày 01/4/2020 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời).
3. Tổ chức triển khai Kế hoạch số 459/KH-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh hành động về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
4. Tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng về chủ đề hạn chế phát thải khí ô nhiễm, thải chất thải nhựa; Khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện, bền vững với môi trường; hạn chế tối đa và tiến đến không dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Từ đó hình thành ý thức tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; Chung tay bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
5. Tiếp tục chủ động triển khai Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/2/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 04/3/2019 của UBND tỉnh về việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”; “Nhặt một cọng rác bạn đã làm cho Huế sạch hơn”; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 02/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 19/11/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 như:
- UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, theo quy định tại Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 01/3/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 04/01/2023 của UBND tỉnh về việc quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước;
- Tổ chức ra quân diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn như: trục vớt bèo tây, cây mai dương; diệt ốc bưu vàng, tôm hùm đất,...;
- Treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu bằng chất liệu vải dễ phân hủy, các chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng về chủ đề môi trường tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động về bảo vệ môi trường; khuyến khích, ưu tiên sử dụng màn hình led để tuyên truyền tại trụ sở các cơ quan, đơn vị;
- Tăng cường hiệu quả hoạt động trồng cây, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ ống, lũ quét, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; góp phần thiết thực thực hiện Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 26/6/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động tổ chức Tháng hành động về môi trường hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới năm 2023;
- Biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023 phù hợp với tình hình mới trong phòng chống Dịch Covid-19./.